Sự sống trên sao Hỏa có thể thành hiện thực nhờ thúc đẩy từ AI
Tàu thám hiểm sao Hỏa Trung Quốc Chúc Dung. Ảnh: Cơ quan vũ trụ Trung Quốc
Các chuyên gia đã bày tỏ sự phấn khích về tiềm năng của AI tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao đang diễn ra ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Zhang Keke, giám đốc Viện Công nghệ và Ứng dụng Vũ trụ Ma Cao (Trung Quốc), nói với Thời báo Hoàn cầu rằng, với sự trợ giúp của AI, sao Hỏa có khả năng trở thành hành tinh mà con người có thể sinh sống.
Ông Zhang cho biết, sao Hỏa từng có nước và bầu khí quyển giống như Trái đất nhưng sao Hỏa đã tiến hóa nhanh hơn. Theo một nghĩa nào đó, sao Hỏa ngày nay đại diện cho tương lai của Trái đất.
"Nếu con người chúng ta có thể lên sao Hỏa và biến đổi nó với sự trợ giúp của các công nghệ hiện đại như AI, chúng ta có thể biến đổi môi trường của sao Hỏa để con người có thể sống ở đó, đây sẽ là điểm khởi đầu rất quan trọng cho khoảnh khắc đột phá trong cuộc cách mạng công nghệ” - ông Zhang nói trong phiên họp tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao hôm 26.3.
Ông Zhang lưu ý: “Nếu chúng ta muốn sự sống trên sao Hỏa trở lại, thì chúng ta phải tìm cách khởi động lại máy phát điện bên trong của hành tinh đỏ. Tôi tin rằng chúng ta sẽ có thể hiện thực hóa mục tiêu này thông qua công nghệ AI trong tương lai”.
Ông Zhang nói: “Điều đó có thể không phải là khoa học viễn tưởng. Con người có thể cải thiện môi trường trên sao Hỏa, khiến hành tinh đỏ có lại không khí và nước để con người có thể sống ở đó. Nếu điều này xảy ra sẽ giải quyết được nhiều vấn đề mà con người phải đối mặt”.
Ông nói thêm, con người phải đối mặt với tình trạng thiếu tài nguyên và đất đai, đó là lý do tại sao con người đã khám phá mặt trăng và các thiên thể khác trong nhiều năm.
Ông Zhang lưu ý, nhiều ý tưởng khác nhau đã được các nhà khoa học đưa ra nhằm tái tạo từ trường của sao Hỏa. Từ trường đóng vai trò như một chiếc ô và chặn gió mặt trời, giúp môi trường trở nên thích hợp cho sự phát triển của nước, không khí và sự sống của con người.
Theo ông Zhang, nghiên cứu và phát triển không gian của Trung Quốc đã đi trên con đường này. Ông đề cập đến tàu thăm dò Thiên Vấn 1 đã hạ cánh xuống sao Hỏa. Đây là lần đầu tiên con người thực hiện cuộc thám hiểm từ trường trên sao Hỏa.
Tàu thăm dò Thiên Vấn 1 bao gồm một tàu quỹ đạo, một tàu đổ bộ và một tàu thám hiểm. Ngày 15.5.2021, Thiên Vấn 1 hạ cánh xuống Utopia Planitia, một đồng bằng sao Hỏa rộng lớn, đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc hạ cánh tàu thăm dò ở hành tinh này. Theo Tân Hoa Xã, một tuần sau, vào ngày 22.5.2021, tàu thám hiểm sao Hỏa Chúc Dung đã hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa.
Một đụn cát trên sao Hỏa do tàu Chúc Dung của Trung Quốc chụp được trước khi ngủ đông vào tháng 5.2022. Ảnh: Cơ quan vũ trụ Trung Quốc
Ông Zhang nói việc khám phá sao Hỏa của Trung Quốc sẽ được đẩy nhanh hơn nữa với sự phát triển của AI. Ông cho biết năm 2028, Trung Quốc dự kiến phóng tàu vũ trụ thứ hai mang tên Thiên Vấn 3, tàu này sẽ lấy mẫu từ sao Hỏa và đưa về Trái đất.
“Như chúng ta đã biết, Trung Quốc gần đây đã phóng thành công vệ tinh chuyển tiếp lên mặt trăng, cho phép con người khám phá phần tối của mặt trăng. Vì vậy, tôi cảm thấy rằng với những công cụ mạnh mẽ như AI và phương pháp học máy, con người sẽ tăng tốc độ đáng kể thăm dò tài nguyên trên sao Hỏa và đặc biệt là Mặt trăng trong tương lai” - ông Zhang lưu ý.