Sóng gió tại Apple: Liên tục bị điều tra và khởi kiện, vốn hóa “bốc hơi” 113 tỷ USD
Tại Mỹ, Bộ Tư pháp và 16 tổng chưởng lý đã khởi kiện nhà sản xuất iPhone vì vi phạm luật chống độc quyền. Trong khi đó, ở châu Âu, Apple đang phải đối mặt với cuộc điều tra về việc tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số. Cách đây không lâu, Apple đã đồng ý nộp phạt gần 500 triệu USD để kết thúc một vụ kiện tập thể cáo buộc công ty "lừa dối" nhà đầu tư về doanh số iPhone tại Trung Quốc.
Sau loạt tin tiêu cực này, cổ phiếu Apple đã giảm 4.1%, làm giảm vốn hóa của công ty đi 113 tỷ USD. Tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã mất 11% giá trị. Từng được coi là công ty đắt giá nhất thế giới với vốn hóa hơn 3,000 tỷ USD, Apple hiện đang có thành tích kém hơn cả Nasdaq 100 và S&P 500 trong năm 2024.
Đây không phải lần đầu tiên Apple bị các cơ quan chức trách để mắt tới. “Táo khuyết” và các công ty công nghệ nhiều lần bị cáo buộc đàn áp đối thủ cạnh tranh và vi phạm luật chống độc quyền. Nhưng với sự phổ biến ngày càng tăng của các sản phẩm của Apple và chúng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người, các cơ quan chức trách càng quan tâm hơn về ảnh hưởng của Apple.
Trong vụ kiện gần nhất, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Apple đã vi phạm luật chống độc quyền bằng cách "giữ chân" người dùng lại với iPhone, từ đó giảm khả năng chuyển sang thiết bị của đối thủ.
Nhà sản xuất iPhone được cho đã cản trở các công ty khác quảng bá dịch vụ cạnh tranh, như ví điện tử, điều này có thể làm giảm giá trị của iPhone. Chính sách của Apple cũng bị cáo buộc gây hại cho người dùng và các doanh nghiệp cạnh tranh nhỏ dưới hình thức "giá đắt và ít đổi mới hơn".
"Mỗi hành động của Apple xây dựng 'con hào' xoay quanh tính độc quyền trên thị trường smartphone" là một phần cáo buộc trong đơn kiện, được nộp lên Tòa án Quận Mỹ tại Quận New Jersey.
Thay vì chỉ tập trung vào App Store như châu Âu, Chính phủ Mỹ đang nhắm đến toàn bộ hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ của Apple, với trọng tâm là iPhone. Công ty được cáo buộc đã "làm suy yếu" khả năng nhắn tin của người dùng iPhone với điện thoại không phải là Apple, bằng cách hiển thị bong bóng tin nhắn màu xanh lá chỉ khi người nhận là người dùng iPhone.
Apple cũng bị cáo buộc gây khó khăn trong việc kết nối iPhone với các thiết bị không phải là Apple Watch. Gã khổng lồ này cũng bị cáo buộc muốn duy trì thế độc quyền bằng cách không cho phép các công ty khác phát triển ví điện tử riêng, và ngăn chặn ứng dụng stream game được phát hành trên iPhone. "Táo khuyết" cũng không cho phép các nhà phát triển cung cấp các siêu ứng dụng.
Trước thông tin này, Apple đã phản bác và gọi vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ là "sai về sự thật và luật pháp". Công ty cảnh báo rằng hành động này sẽ "đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, trao quyền cho Chính phủ nắm quyền mạnh mẽ trong việc thiết kế công nghệ của con người" và hứa sẽ "ra sức chống lại điều này". Công ty không trả lời yêu cầu bình luận về các cuộc điều tra ở châu Âu.
"Tại Apple, chúng tôi đổi mới mỗi ngày để tạo ra công nghệ mà mọi người yêu thích – thiết kế các sản phẩm hoạt động liền mạch với nhau, bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của mọi người, đồng thời tạo ra trải nghiệm kỳ diệu cho người dùng," công ty cho biết trong một tuyên bố. “Vụ kiện này đe dọa tới những nguyên tắc tạo nên sự khác biệt của các sản phẩm Apple trong các thị trường cạnh tranh khốc liệt”.
Apple nộp phạt 490 triệu USD tại Trung Quốc
Trước đó, Apple đã đồng ý trả 490 triệu USD để giải quyết một vụ kiện tập thể cáo buộc CEO Tim Cook đã lừa dối các nhà đầu tư về sự sụt giảm mạnh về doanh số bán iPhone tại thị trường Trung Quốc, dẫn đến việc điều chỉnh mạnh mẽ dự báo doanh thu của công ty.
Thỏa thuận sơ bộ được đệ trình vào hôm thứ Sáu (15/03) tại Oakland, California, Mỹ. Tại tòa án liên bang, cổ đông của Apple tập trung vào việc CEO Cook truyền đạt thông tin về hoạt động của các mẫu iPhone phát hành vào tháng 9/2018 tại Trung Quốc - một trong những thị trường lớn nhất của công ty. Theo đơn khiếu nại, CEO Cook tuyên bố mẫu iPhone mới đã có một khởi đầu tốt trong cuộc gọi hội nghị nhà đầu tư vào đầu tháng 11/2018.
Sự trấn an đó đã tan thành nỗi thất vọng lớn vào ngày 02/01/2019 khi CEO Tim Cook đưa ra cảnh báo rằng, doanh thu của Apple trong quý vừa kết thúc sẽ giảm 9 tỷ USD so với dự báo của ban quản lý trong giai đoạn này. Hơn nữa, hầu như toàn bộ sự sụt giảm doanh số đều bắt nguồn từ nhu cầu thấp đối với mẫu iPhone mới ở Trung Quốc.
Sự việc đánh dấu lần đầu tiên Apple cắt giảm dự báo doanh thu kể từ khi phát hành iPhone vào năm 2007 và khiến giá cổ phiếu của hãng giảm 10% trong ngày giao dịch tiếp theo, xóa sạch hơn 70 tỷ USD tài sản của cổ đông.
Apple kịch liệt phủ nhận việc CEO Cook lừa dối các nhà đầu tư về doanh số bán iPhone tại Trung Quốc từ đầu tháng 11/2018 đến đầu tháng 1/2019. Gã khổng lồ xứ Cupertino vẫn giữ quan điểm đó trong các tài liệu của vụ kiện nhưng lại cho rằng, công ty đã quyết định thực hiện nộp phạt sau hơn 4 năm tranh chấp pháp lý để tránh rắc rối "quá nặng nề, tốn kém và gây sao nhãng".