Apple rơi khỏi top 5 thị phần smartphone Trung Quốc
Theo dữ liệu quý II/2024 được hãng nghiên cứu Canalys công bố ngày 25/7, thị trường smartphone Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ 2023 với lượng hàng xuất xưởng vượt 70 triệu chiếc. Thứ hạng các nhà sản xuất cũng thay đổi, khi toàn bộ 5 vị trí đầu đều thuộc về tên tuổi nội địa.
"Đây là quý đầu tiên trong lịch sử mà các nhà cung cấp trong nước thống trị cả năm vị trí đầu", nhà nghiên cứu Lucas Zhong của Canalys nhận xét. "Chiến lược của các công ty Trung Quốc hướng đến sản phẩm cao cấp cũng như sự hợp tác sâu sắc của họ với chuỗi cung ứng địa phương đang mang lại hiệu quả về cả tính năng phần cứng lẫn phần mềm".
Trong số đó, Huawei có mức tăng mạnh nhất với 41%, từ 7,5 triệu lên 10,6 triệu máy, đạt thị phần 15% và đánh dấu sự trở lại top 5 sau nhiều năm bị tác động bởi lệnh cấm của Mỹ. Năm ngoái, họ xếp thứ 6, nhưng việc ra mắt hàng loạt thiết bị mới như dòng Mate 60 hay Pura 70 cùng sự ủng hộ của người dùng trong nước giúp thị phần tăng đáng kể.
Trong khi đó, lần đầu sau nhiều năm, Apple "bật bãi" khỏi danh sách 5 hãng điện thoại hàng đầu tại Trung Quốc trong quý vừa qua. Công ty đứng thứ 6 với gần 14% thị phần, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, dù đã đẩy mạnh các kênh bán hàng và giảm giá để kích cầu.
Thị phần smartphone giữa các hãng Trung Quốc chênh lệch không quá cao. Vivo giữ vững vị trí số một khi xuất xưởng 13,1 triệu máy, chiếm 19% thị phần. Oppo và Honor xếp phía sau với lần lượt 16% và 15%. Đứng thứ 5 là Xiaomi với 14%.
"Tăng trưởng trong quý II/2024 báo hiệu sự dần bình thường hóa của thị trường Trung Quốc, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng mức phục hồi còn khá khiêm tốn với một chữ số trong năm nay", Toby Zhu, chuyên gia phân tích của Canalys, nói.
Theo ông, có ba xu hướng chính tác động đến thị trường smartphone Trung Quốc nửa cuối năm. Trong đó, việc Huawei ra HarmonyOS Next sẽ thay đổi đáng kể thị phần của công ty sắp tới. Việc các hãng trong nước đang đầu tư vào hạ tầng AI, phát triển mô hình AI nội bộ và tạo các ứng dụng AI cũng có thể tạo lợi thế cạnh tranh ở mọi phân khúc. Cuối cùng, sự cạnh tranh gay gắt trong nước cũng thúc đẩy các công ty mở rộng ra thị trường nước ngoài.