10 bí mật bên trong “vườn táo” Apple ngay cả fan cứng cũng chưa chắc đã biết

Viết bởi: Admin Ngày đăng: 17/04/2024

Apple được thành lập với tên Apple Computer, Inc. vào năm 1976 như một cách để có thể tiếp thị và bán máy tính Apple I. Công ty chủ yếu tập trung vào việc bán máy tính vào những năm 1990, nhưng mọi thứ đã thay đổi khi họ phát hành iPod năm 2001. Thiết bị này đã đặt nền móng cho sự kiện ra mắt iPhone vào năm 2007 và kể từ đó Apple chính thức được biết đến như một công kinh doanh đa sản phẩm.

Trong suốt chiều dài lịch sử của Apple từ khi thành lập cho đến tận ngày nay, Steve Jobs vẫn được xem là động lực thúc đẩy thành công đó, dù ông qua đời ở tuổi 56, sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến tụy. Apple hiện được lãnh đạo bởi Tim Cook, ông đã giữ chức vụ CEO kể từ khi Jobs qua đời vào năm 2011, và đã đưa công ty lên một tầm cao mới dựa trên nền tảng mà Steve Jobs tạo ra.

1. Cái tên Apple bắt nguồn một cách đơn giản

Đã có rất nhiều lời giải thích về lý do tại sao công ty được đặt tên là Apple. Một trong những giả thuyết được nhiều người biết đến là cái tên lấy ý tưởng từ nhà vật lý Isaac Newton đang ngồi dưới gốc cây táo, nơi ông được cho là đã phát hiện ra lực hấp dẫn do một quả táo rơi trúng đầu mình. Đây cũng là hình trên logo đầu tiên của Apple.

Tuy nhiên, sự thật đơn giản là công ty được đặt tên này chỉ vì Steve Jobs rất thích táo và trái cây nói chung. Jobs tuân theo chế độ ăn kiêng dựa trên trái cây trong nhiều giai đoạn của cuộc đời - kể cả sau khi ông mắc bệnh ung thư tuyến tụy. CNN đưa tin Jobs đã nói với người viết tiểu sử Walter Isaacson rằng cái tên Apple nghe "vui vẻ, sôi nổi và không đáng sợ", khá phù hợp với một công ty non trẻ lúc bấy giờ.

10 bí mật bên trong “vườn táo” Apple ngay cả fan cứng cũng chưa chắc đã biết- Ảnh 1.
Nguồn gốc tên gọi Apple không "sâu xa" như chúng ta nghĩ

Theo Steve Wozniak, người đồng sáng lập Apple cùng với Jobs, cái tên này được lấy cảm hứng từ chuyến thăm của Jobs tới một ‘vườn táo’ ở Oregon. Tuy nhiên, Wozniak cho rằng vườn táo "thực ra là một hội nhóm nào đó". Dù sao thì chuyến thăm đó và sự yêu thích trái cây của Jobs đã truyền cảm hứng tạo ra cái tên của công ty khổng lồ ngày nay.

Bên cạnh đó, Apple, tên đầy đủ là Apple Inc. đã trải qua cuộc chiến thương hiệu kéo dài nhiều năm với Apple Corps, công ty do The Beatles thành lập. Cả hai đều được gọi là Apple và cả hai logo đều có hình quả táo, dẫn đến một loạt tranh chấp về nhãn hiệu. Điều này kết thúc vào năm 2007 khi Apple Inc. mua lại tất cả các nhãn hiệu liên quan đến Apple.

2. Đồng sáng lập thứ ba của Apple đã bán cổ phần của mình với giá 800 USD

Steve Jobs và Steve Wozniak đã trở thành hai cái tên quen thuộc với tư cách là những nhà sáng lập Apple, thì có một người đồng sáng lập thứ ba đã sớm rời bỏ công ty - và mất hàng tỷ USD khi làm như vậy.

Ronald Wayne làm việc tại Atari cùng với Steve Jobs và Steve Wozniak, ông đã tham gia vào các cuộc thảo luận ban đầu về Apple. Wayne lớn tuổi hơn Jobs và Wozniak và từng nói rằng cả hai thường coi ông là "người lớn" trong bộ ba. Do Jobs và Wozniak thường xuyên bất đồng về các quyết định kinh doanh và máy tính, Wayne đã được trao 10% cổ phần trong công ty mới để đóng vai trò là người hòa giải trong quá trình ra quyết định. Những đóng góp của Wayne cho Apple bao gồm soạn thảo thỏa thuận hợp tác ban đầu, tạo ra logo đầu tiên có hình Isaac Newton và viết sách hướng dẫn vận hành Apple I.

10 bí mật bên trong “vườn táo” Apple ngay cả fan cứng cũng chưa chắc đã biết- Ảnh 2.
Steve Jobs (trái), Steve Wozniak (giữa) và Ronald Wayne (phải) thời trẻ

Wayne rời công ty vài ngày sau khi thành lập do hơi sợ rủi ro và không hoàn toàn tin rằng bản thân phù hợp với công việc kinh doanh. Sau đó, ông được Apple trả 800 USD để bán lại 10% cổ phần của mình trong công ty. Số cổ phiếu đó bây giờ có giá trị lên tới hàng tỷ USD, trong khi 800 USD vào năm 1976 chỉ tương đương khoảng 4.400 USD ngày nay khi điều chỉnh theo lạm phát. Tuy nhiên, Wayne khẳng định không hối hận khi rời Apple, tin rằng đó là quyết định đúng đắn dựa trên thông tin mình có vào thời điểm đó.

3. Ý tưởng iPod từng được giới thiệu cho 2 công ty trước Apple

Dù nói đến iPod là nói đến Apple, nhưng ý tưởng này thực tế lại được đưa ra cho hai công ty khác trước tiên. Rất may cho Apple, hai công ty đó đã từ chối, trong khi Steve Jobs nhìn thấy tiềm năng sản phẩm sẽ đưa Apple đi theo một con đường thành công khác.

10 bí mật bên trong “vườn táo” Apple ngay cả fan cứng cũng chưa chắc đã biết- Ảnh 3.
Ý tưởng về iPod ban đầu không dành cho Apple

Tony Fadell là bộ não đằng sau iPod. Là cựu nhân viên của cả General Magic và Philips, Fadell có mong ước tạo ra một thiết bị MP3 tốt hơn. Lần đầu tiên, Fadell tiếp cận RealNetworks với ý tưởng tạo ra một máy nghe nhạc MP3 cao cấp với cách mua nhạc tốt hơn. Công ty đã từ chối lời đề nghị. Sau đó ông tìm đến Philips, nhưng cũng bị từ chối. Fadell sau đó đã nói chuyện với Apple và Apple đã quyết định hỗ trợ dự án này. Ông đảm nhận vai trò là một nhà thầu độc lập và lãnh đạo nhóm chế tạo nguyên mẫu iPod.

Sản phẩm cuối cùng hoạt động trơn tru với iTunes và là một yếu tố giúp Apple thay đổi cuộc chơi, với hàng trăm triệu sản phẩm được bán ra. Ngoài ra, iPod còn dẫn tới sự ra đời của iPhone, củng cố vị thế của Apple như một thương hiệu khổng lồ toàn cầu. Fadell làm việc tại Apple gần một thập kỷ và sau đó ra đi để đồng sáng lập Nest Labs, công ty sau đó đã được Google mua lại.

4. Chiếc Apple I được bán với giá niêm yết kỳ lạ 666,66 USD

Máy tính đầu tiên của Apple, chiếc Apple I, ra mắt vào năm 1976 và có mức giá kỳ lạ là 666,66 USD. Số tiền này tương đương với hơn 3.000 USD ngày nay, nhưng đó không phải điều đáng nói, nó là một mức giá khá kỳ lạ. 666 thường được coi là con số của quỷ dữ.

10 bí mật bên trong “vườn táo” Apple ngay cả fan cứng cũng chưa chắc đã biết- Ảnh 4.
Apple I có mức giá kỳ lạ

Tuy nhiên, không như một số thuyết âm mưu trên mạng, con số này không có ý nghĩa tâm linh sâu xa gì. Thay vào đó, Steve Wozniak xác nhận mức giá được quyết định chỉ vì ông thích các chữ số lặp lại. Ông cũng tuyên bố mình không biết về mối quan hệ giữa con số và Sách Khải Huyền khi đưa ra giá.

Về lý do tại sao Apple I lại có giá lẻ như vậy, tất cả đều liên quan đến tỷ suất lợi nhuận. Giá bán sỉ của Apple I là 500 USD, do đó 666 USD tạo thành mức chênh lệch 30%. Ngoài ra, 66 cent không quan trọng chút nào ngoại trừ việc thu hút sự chú ý của mọi người trong các quảng cáo. Ví dụ cửa hàng máy tính địa phương, The Byte Shop, đồng ý mua 50 bộ máy Apple I lắp ráp hoàn chỉnh, thì mức giá sẽ là 500 USD mỗi máy, tất cả các con số đều phù hợp.

5. Logo đầu tiên của Apple có hình nhà vật lý Isaac Newton

Logo của Apple đã thay đổi qua nhiều thập kỷ hoạt động. Tuy nhiên, sự thay đổi lớn nhất xảy ra giữa logo thứ nhất và logo thứ hai. Logo đầu tiên được thiết kế bởi Ronald Wayne vào năm 1976, bao gồm hình ảnh minh họa nhà toán học, vật lý nổi tiếng Isaac Newton đang ngồi dưới gốc cây táo. Liên tưởng đến một quả táo rơi từ trên cây xuống và truyền cảm hứng cho việc khám phá ra lực hấp dẫn. Logo cũng có chữ Apple Computer Co. trên một banner quấn quanh hình vẽ.

10 bí mật bên trong “vườn táo” Apple ngay cả fan cứng cũng chưa chắc đã biết- Ảnh 5.
Logo đầu tiên của Apple có thiết kế rất nhiều chi tiết

Logo này chỉ tồn tại được một năm, và Steve Jobs quyết định cần phải đổi thương hiệu ngay từ năm 1977. Ông cho rằng logo đầu tiên đã quá lỗi thời và không dễ in ở kích thước nhỏ hơn. Vì vậy, ông đã thuê Rob Janoff, một nhà thiết kế giàu kinh nghiệm, để thiết kế một logo mới. Logo mới đó là hình dáng của một quả táo với một vết cắn trên đó mà tất cả chúng ta giờ đây đã vô cùng quen thuộc. Phiên bản đầu tiên có màu sắc cầu vồng, nhưng sau đó được đơn giản hóa hơn nữa thành các màu đơn lẻ như xám, bạc và trắng.

Theo chia sẻ của Rob Janoff, lý do miếng cắn xuất hiện là để giúp người xem định hình rõ ràng logo Apple là một trái táo thay vì một trái cherry. "Nó ở đó để trái táo trong logo, ở một kích thước nhỏ, vẫn trông giống trái táo thay vì một trái cherry," người này chia sẻ. Như vậy, miếng cắn dở đây gần như không có ý nghĩa gì mà chỉ mang tính chất thẩm mỹ.

6. Apple là công ty đầu tiên đạt 1 nghìn tỷ USD

Năm 2018, Apple trở thành công ty tư nhân đầu tiên đạt giá trị thị trường 1 nghìn tỷ USD. Điều này xảy ra 42 năm sau khi Apple được thành lập. Nhiệm kỳ của Steve Jobs tại Apple thật đáng kinh ngạc - đặc biệt là sau khi ông trở lại, nhưng Tim Cook, người kế nhiệm Steve Jobs, đã đưa Apple đến khoảnh khắc hoành tráng này.

10 bí mật bên trong “vườn táo” Apple ngay cả fan cứng cũng chưa chắc đã biết- Ảnh 6.
Steve Jobs mang Apple khỏi vực thẳm và Tim Cook đưa công ty lên đỉnh cao

Giá cổ phiếu của Apple đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2011 khi Cook tiếp quản Apple, sau khi Jobs từ chức vì sức khỏe yếu. Vào thời điểm mức giá chạm mức 207,05 USD, Apple đã trở thành công ty tư nhân trị giá 1 nghìn tỷ USD đầu tiên trên thế giới.

Apple hiện có vốn hóa thị trường ở mức hơn 2 nghìn tỷ USD và có thời điểm đạt đỉnh 3 tỷ USD. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Apple chỉ là công ty có giá trị thứ hai trên thế giới, với đối thủ truyền kiếp là Microsoft đang giữ vị trí dẫn đầu.

7. Apple sa thải Steve Jobs vào năm 1985

Mặc dù là nhà đồng sáng lập công ty nhưng Apple đã sa thải Steve Jobs vào năm 1985, bởi chính người mà Jobs đã thuê về công ty. Người đàn ông đó là John Sculley, CEO của PepsiCo, người được thuê làm CEO do ban giám đốc không cảm thấy Jobs đã sẵn sàng cho công việc này. Jobs bị sa thải sau khi bất đồng với ban giám đốc do hai sản phẩm của Apple, Macintosh và Lisa, không đáp ứng được kỳ vọng.

10 bí mật bên trong “vườn táo” Apple ngay cả fan cứng cũng chưa chắc đã biết- Ảnh 7.
Steve Jobs và John Sculley (phải)

Tuy nhiên, Jobs quay trở lại Apple vào năm 1997 khi công ty mua lại NeXT, công ty mà Jobs thành lập sau khi bị sa thải 12 năm trước đó. Hội đồng quản trị đã bổ nhiệm Jobs làm Tổng giám đốc và với vai trò đó, ông tiếp tục là người có công trong việc xoay chuyển tình thế của Apple.

Jobs ở lại công ty từ năm 1997 cho đến khi ông qua đời vì bệnh ung thư tuyến tụy vào năm 2011. Vào thời điểm ông qua đời, Apple đang là công ty công nghệ dẫn đầu thế giới, với những sản phẩm mới và sáng tạo, dòng Mac lúc đó đã trở thành sản phẩm máy tính thành công.

8. Giá trị thị trường của Apple cao hơn GDP nhiều quốc gia

Vốn hóa thị trường đáng kinh ngạc của Apple giúp hãng có giá trị cao hơn hầu hết các quốc gia. Vốn hóa thị trường của một công ty thể hiện tổng giá trị của công ty dựa trên số cổ phiếu đang lưu hành. Điều này khiến chúng ta có thể so sánh Apple với GDP của một quốc gia (tổng sản phẩm quốc nội).

10 bí mật bên trong “vườn táo” Apple ngay cả fan cứng cũng chưa chắc đã biết- Ảnh 8.
Giá trị thị trường của Apple cao hơn GDP nhiều quốc gia

Các quốc gia mà Apple có thể được coi là giàu hơn sẽ thường thay đổi theo vốn hóa thị trường của Apple và GDP quốc gia, nhưng Apple luôn nằm trong top 10. Điều này so với việc có khoảng 195 quốc gia trên thế giới, là rất ấn tượng.

Vào tháng 1 năm 2022, Apple trở thành công ty đầu tiên đạt mức vốn hóa thị trường là 3 nghìn tỷ USD. Vào thời điểm đó, công ty có giá trị hơn tất cả quốc gia ngoại trừ sáu nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Đức, thậm chí Apple còn đánh bại những cái tên lớn như Pháp và Nga. Nhưng dù sao cũng không thể bỏ qua các công ty khổng lồ khác như Microsoft, Nvidia, Amazon và Alphabet, họ cũng đang cạnh tranh với các quốc gia về độ giàu có.

9. Steve Jobs chỉ nhận mức lương 1 USD/năm

Trong suốt thập kỷ thay đổi kể từ khi trở lại công ty, Steve Jobs chỉ nhận mức lương tượng trưng là 1 USD/năm.

Có nhiều giả thuyết về lý do tại sao Jobs làm điều này, từ đó là cách ông thể hiện mức độ quan tâm với công ty, đến việc đảm bảo cả ông và gia đình đều có thể sử dụng chương trình bảo hiểm sức khỏe của Apple. Tuy nhiên, điều quan trọng là Jobs không cần phải được trả lương. Ông sở hữu hàng triệu cổ phiếu của Apple và chúng tiếp tục tăng giá trị trong suốt nhiệm kỳ CEO của ông.

10 bí mật bên trong “vườn táo” Apple ngay cả fan cứng cũng chưa chắc đã biết- Ảnh 9.
Tim Cook và Steve Jobs

Jobs là một trong những CEO đầu tiên chọn mức lương tượng trưng 1 USD, nhưng ông không phải là người duy nhất làm như vậy. Những người khác bao gồm Larry Ellison của Oracle, Mark Zuckerberg của Meta và Elon Musk của Tesla. Theo SlashGear, ý tưởng nhận mức lương 1 USD mỗi năm bắt nguồn từ Thế chiến thứ nhất. Chính phủ Mỹ không thể tuyển dụng tình nguyện viên không được trả lương, vì vậy các doanh nhân muốn giúp đỡ trong cuộc chiến đã được trả một mức lương danh nghĩa. Đây là cách nhà tài chính Bernard Baruch quản lý War Industries Board chỉ với 1 USD mỗi năm.

10. Mốc thời gian 9:41 thường xuất hiện trên các ảnh sản phẩm của Apple

Hình ảnh chính thức của các sản phẩm Apple hầu như luôn có thời gian được ấn định là 9:41.

Truyền thống này bắt nguồn từ năm 2007 và sự ra mắt của chiếc iPhone đầu tiên. Trong buổi thử trang phục cho buổi phát biểu quan trọng, ban tổ chức đã lưu ý rằng buổi ra mắt iPhone sẽ diễn ra vào khoảng 40 phút sau. Và vì buổi phát biểu bắt đầu lúc 9:00 sáng, điều đó có nghĩa là iPhone sẽ được ra mắt vào khoảng 9:40 sáng. Thêm một hoặc hai phút trong trường hợp bị chậm trễ và ta có 9:41.

10 bí mật bên trong “vườn táo” Apple ngay cả fan cứng cũng chưa chắc đã biết- Ảnh 10.
9:41 là mốc thời gian thường xuất hiện trên ảnh quảng cáo các sản phẩm của Apple

Do đó, các hình ảnh quảng cáo sẽ trên màn hình phía sau Steve Jobs cho thấy iPhone có thời gian là 9:41. Một số hình ảnh quảng cáo ban đầu hiển thị 9:42, nhưng 9:41 đã trở thành tiêu chuẩn của Apple kể từ đó, mặc dù các sản phẩm hiện tại của Apple ra mắt vào những mốc thời gian khác.

Theo cựu trưởng nhóm iOS Scott Forstall, "chúng tôi thiết kế các bài phát biểu chính vào khoảng 40 phút. Khi ảnh lớn của sản phẩm xuất hiện trên màn hình, chúng tôi muốn thời điểm đó sát nhất với thời gian thực tế trên đồng hồ của khán giả bên dưới".

Cái thời Jobs sử dụng dòng chữ "One more thing" đặc trưng để tiết lộ một sản phẩm bất ngờ ở cuối sự kiện có thể đã qua, nhưng việc hiển thị 9:41 trên màn hình của các sản phẩm mới dường như vẫn được giữ lại như một truyền thống của Apple.

Tags: Apple,
0784663333
zalo